Mặc dù Google đã khẳng định “Thử thách Momo” sẽ không xuất hiện trên youtube nữa, nhưng trước đó nó đã trở thành con quái vật ám ảnh cuộc sống của hàng triệu trẻ em trên thế giới và khiến các bậc cha mẹ khiếp sợ.
“Thử thách Momo” là gì?
Sau hàng loạt vụ trẻ em đòi tự tử các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng với trò chơi mang tên “Thử thách Momo” xuất hiện tràn lan trên ứng dụng Youtube Kids. Vậy “thử thách Momo” là gì mà khiến nhiều bà mẹ khiếp sợ đến thế?
Momo Challenge (Thử thách Momo) thực chất là một trò bịp xuất hiện đầu tiên trên WhatsApp, nhưng gần đây nhân vật Momo lại núp bóng các video hoạt hình trên Youtube, bất ngờ hiện ra và dọa giết người.
Trò chơi kinh dị này bắt nguồn từ nước Anh vào tháng 8/2018 với hình ảnh một người phụ nữ có đôi mắt lồi và mái tóc dài (gọi nôm na là “mẹ chim”). Đây là một tác phẩm được trưng bày tại Phòng trưng bày kinh dị Vanilla của Tokyo từ năm 2016.
Song vì một lý do nào đó kẻ xấu đã sử dụng hình ảnh này và tiến hành hành vi thúc ép người khác tự sát. Những kẻ này gửi hình ảnh bạo lực cho nạn nhân, sau đó ra mệnh lệnh buộc họ phải thực hiện một hành động nguy hiểm gây hại. Nếu người chơi từ chối, nhân vật “Momo” sẽ gửi đến các lời đe dọa, gây sức ép tâm lý.
Gần đây, trò chơi quái đám này xuất hiện dày đặc trong các video hoạt hình dành cho trẻ em trên Youtube. Và hậu quả cho thấy nhiều đứa trẻ chưa đủ nhận thức tự bảo vệ bản thân đã bị cuốn vào trò chơi dẫn đến các hành vi tự sát hoặc làm hại bản thân.
Ngoài Momo, hiện còn nhiều video nhái Peppa Pig và các series hoạt hình nổi tiếng có chứa nội dung hướng dẫn trẻ tự sát được phát hiện trên Youtube. Một thống kê gần đây cho thấy, có đến 1/3 video hoạt hình chứa cảnh báo bạo lực và không được dán nhãn cảnh báo vẫn tồn tại trên Youtube.
Truyền thông quốc tế cho hay, đã từng có nhiều đứa trẻ tự sát vì trò chơi kinh dị “Thử thách Momo”. Đơn cử như trường hợp của con gái chị Victoria Turner (24 tuổi). Chị là mẹ của 2 bé gái Callie Astill (7 tuổi) và Lola Russell.
Thời gian gần đây chị phát hiện con mình có biểu hiện bất thường, đờ đẫn, không muốn tiếp xúc với nhiều người. Sự việc đến đỉnh điểm khi cô bé Callie đập đầu vào tường tìm đến cái chết và tuyên bố về nhà sẽ không đi ngủ. Nguyên nhân được tìm ra là do cô bé đã gặp con quái vật Momo trên các bộ phim hoạt hình ở Youtube. Nhưng sợ bị mẹ mắng nên không dám kể.
Một trường hợp khác là cô bé 5 tuổi người Anh tự tay cạo tóc, lạnh lùng cảnh báo mẹ chỉ được ngủ một mắt. Khi được gặng hỏi cô mới kể, nhân vật Momo bảo rằng hắn ghét mái tóc dài của cô bé và đe, nếu không cắt tóc, hắn sẽ làm cô bé đau.
Mẹ xóa Youtube để con không bao giờ phải gặp Momo
Hiện nay, “Thử thách Momo” đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mexico, Argentina, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha… Đây là trò chơi được dàn dựng công phu, lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. “Thử thách Momo” có thể là trào lưu tương tự như “Cá voi xanh” từng khiến 130 thiếu niên Nga mất mạng vì làm theo các hoạt động trong video. Nhưng không ai biết rõ những người dàn dựng nên thử thách Momo có mục đích gì?!
Để giải tỏa bức xúc của dư luận về tính chất nguy hiểm của trò chơi quái đám này, Google đã lên tiếng phủ nhận có video “Thử thách Momo” trên Youtube và YouTube Kids. Đồng thời tuyên bố sẽ xóa các video vi phạm nếu có. Hiện báo chí quốc tế đã vào cuộc và xác định chưa có bằng chứng cho thấy trẻ tự sát vì Momo, nhưng Guardian cho rằng "khả năng gây tổn hại về mặt tinh thần".
Tuy vậy, nhiều phụ huynh vẫn quyết tâm xóa Youtube và Youtube Kids để con mình không biết đến nhân vật này. Chị Minh Phương (Hà Nội) băn khoăn: “Tôi cũng suy nghĩ nên hay không nên xóa Youtube, nhưng xem trên FB các thông tin về Momo rất đáng sợ nên để bảo vệ con mình, tôi quyết tâm xóa Youtube”.
Trong trường hợp không xóa youtube, bố mẹ nên để tâm đến những gì con xem, tốt nhất nên ngồi xem cùng con. Bởi hầu hết các video bị chèn nội dung bạo lực vẫn có phần nhạc vui nhộn như bình thường.
Đã đến lúc bố mẹ nên dành thời gian nhiều hơn cho con, không nên phó mặc con cho "bảo mẫu" mang tên youtube.