“Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu thương
Và em có nghe khi mùa mùa thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói
Mình yêu nhau nhé!….
Và em có mơ khi mùa thu tới
Hai chúng ta sẽ cùng chung lối
Em với anh mơ mùa thu ấy
Tình ta ngát hương”
Tình khúc Mùa thu cho em của Ngô Thụy Miên qua giọng hát đầy cảm xúc của ca sĩ Tùng Dương vang lên gieo vào lòng người những cảm xúc miên man khó tả. Trong cái se lạnh của mùa thu, người ta cảm thấy cần có nhau trong những yêu thương, trong cái nắm tay xiết chặt và cả những cái tựa đầu tin tưởng vào vai nhau.
Và….
Ngẫu nhiên chăng, khi mùa thu lại có một ngày đặc biệt dành cho phụ nữ – những người xứng đáng được yêu thương nhất: ngày 20/10. Nói như vậy không có nghĩa là phụ nữ chỉ được yêu thương trong một ngày, một mùa. Bởi đã là yêu là thương thì làm gì có quy định mùa nào sẽ yêu. Nhưng, yêu thương của mùa thu là yêu thương trong yên lặng, thương bằng cả tấm lòng, yêu bằng cả trái tim. Phụ nữ cần những yêu thương chân thành đó chứ không phải lời sáo rỗng hay vật chất tầm thường.
Ấn phẩm Beauty Family tập 04 chủ đề Mùa Yêu Thương với sự tham gia của nữ CEO Công ty CP BES Việt Nam – Trần Thanh Hà, chị Nguyễn Thị Dung – Phó Tổng Giám đốc Danko Group và anh Bùi Đình Huỳnh – CEO Trung tâm Anh ngữ Better You sẽ mang đến những góc nhìn khác nhau về người phụ nữ. Và trên hết, thông điệp “Phụ nữ xứng đáng được yêu thương” như là lời chúc mừng mà Beauty Family chân thành gửi đến một nửa của thế giới!
YÊU THƯƠNG TRƯỚC TIÊN LÀ THẤU HIỂU
Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Giám đốc Công ty Cổ phần BES Việt Nam
Trần Thanh Hà
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: "Nếu không thể thấu hiểu, bạn không thể yêu thương". Câu chuyện của Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Giám đốc Công ty Cổ phần BES Việt Nam Trần Thanh Hà quanh chủ đề người phụ nữ xưa và nay sẽ giúp ta nhận thấy rằng yêu thương đúng cách phải bắt đầu từ sự thấu hiểu. Và dù ở bất cứ xã hội nào, người phụ nữ đều có thể vươn tới đỉnh thành công, chỉ cần được yêu thương như thế.
Chị Thanh Hà sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, mang trong mình nét mềm mỏng, ý nhị, đảm đang của người mẹ gốc Hà Nội và sự điềm đạm, nghiêm khắc của người bố gốc Huế. Thời của chị, người ta "nhốt" phụ nữ trong những khuôn mẫu truyền thống để duy trì chế độ phụ quyền, gia trưởng. "Tôi lớn lên vào thời điểm đất nước vừa được giải phóng. Dù vậy, ý thức hệ phong kiến vẫn còn rất nặng nề. Phụ nữ mặc định gắn với bổn phận thờ chồng nuôi con. Ra ngoài xã hội, họ không được phân công công việc, có chăng cũng chỉ là công việc cấp thấp, lương ít ỏi".
Trong chế độ giáo dục chung như vậy, chị Hà cũng giống như tất cả phụ nữ thời ấy, luôn sẵn sàng với vị trí người phụ nữ của gia đình. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi chị Thanh Hà tới "Hòn ngọc Viễn Đông" theo học trường Đào tạo Cán bộ dạy nghề. Những giá trị từ nền văn minh tư bản để lại như máy móc, nhà xưởng hiện đại; những tòa biệt thự to đẹp với trực thăng hạ cánh bên trên đã nhen nhóm vào lòng cô gái vừa tròn 16 tuổi những khao khát, ước mơ bay xa. "Khi ấy, tôi đã sắp xếp ước mơ của mình là mua xe đạp, xe máy, ô tô, nhà và …trực thăng" – chị kể lại.
Đầu óc được mở mang, chị Hà cũng nhìn thấy sự thiệt thòi của người phụ nữ. Họ luôn phải giấu kín ước mơ để làm tròn bổn phận của người phụ nữ trong gia đình. Và chị quyết tâm hóa giải điều đó.
Ra trường, chị được phân công giảng dạy tại trường ĐH Bách khoa. Nhưng rồi, chị cảm thấy bản thân không phù hợp với việc này và chấp nhận ra ngoài làm kinh doanh. May mắn, chị có gia đình thấu hiểu và ủng hộ.
Bố mẹ chị đều là công nhân viên chức nhà nước nhưng tư tưởng rất tiến bộ. Chị Hà kể: "Bố tôi thường bảo: ếch ngồi đáy giếng. Con phải đi ra ngoài, mở mang đầu óc thì mới phát triển được. Thậm chí, khi hầu hết xã hội bấy giờ đều có cái nhìn không mấy thiện cảm với những phụ nữ ăn mặc hiện đại thì bố tôi luôn khuyên tôi rằng "con phải đẹp".
Thông minh, nhanh nhạy cùng với "máu kinh doanh" sẵn có từ thời sinh viên, chị bắt đầu với quán lẩu dê – món ăn mới được ưa chuộng thời đó. Sau đó, chị còn chuyển sang kinh doanh hoa tươi, khách sạn nhà nghỉ trước khi đến với BES. "Tôi thất bại nhiều nhưng gia đình không hề trách móc, bàn lùi mà vẫn tin tưởng, tôn trọng và âm thầm ủng hộ mọi quyết định của tôi", chị Hà hạnh phúc khi kể về "hậu phương" của mình. Bản chất của yêu thương là như vậy chứ không có nghĩa là ép ai đó phải theo những điều mà mình cho là tốt.
Tuy nhiên, để có được sự tin tưởng đó, chị Thanh Hà đã chứng minh bằng năng lực của mình. Mỗi lần thay đổi, chị đều có dự án cụ thể: đầu tư bao nhiêu, kế hoạch kinh doanh thế nào, bao lâu sẽ thu hồi vốn, công việc đó có tương lai không… Người phụ nữ quyền lực của BES Việt Nam luôn tự đặt ra mục tiêu cho tất cả các dự án trong 2 năm phải phát triển tốt, nếu không sẽ dừng lại. Ví như ngày chị cùng bạn bè góp vốn thành lập Công ty Cổ phần BES Việt Nam chuyên về mỹ phẩm chăm sóc tóc thương hiệu BES Italy. Năm đầu tiên, vì chưa định vị đúng khách hàng nên thất bại. "Khi ấy, phía BES Italy không hiểu vì sao lại thất bại mà chỉ nghĩ rằng mình lấy tiền của họ. Không chấp nhận cái nhìn xấu về người Việt Nam, tôi đã đứng lên để chứng minh cho họ thấy họ đã sai". Bằng kế hoạch kinh doanh cụ thể, chị Thanh Hà đã đưa BES Việt Nam trở thành một thương hiệu top đầu trong ngành tóc. Chị cũng dành nhiều thời gian học tất cả các ngành từ nhân sự, tài chính, kinh doanh, marketing… đến kỹ năng lãnh đạo để điều hành công ty tốt nhất.
So với đàn ông, phụ nữ muốn thành công phải đánh đổi rất nhiều: thanh xuân, sức khỏe, đôi khi là những ước muốn rất giản đơn. Thế nhưng, gặp chị Hà, người ta sẽ thấy chị lúc nào cũng tươi tắn, trẻ trung hơn nhiều so với tuổi thật. Bí quyết của chị vẫn chỉ là: yêu thương từ phía gia đình. Chị cho rằng: "Bạn chẳng thể có khuôn mặt rạng rỡ nếu trong lòng có chuyện buồn. Tôi luôn được gia đình, đồng nghiệp và bạn bè yêu quý nên tâm thái luôn rất tốt. Vì thế mà tôi lúc nào cũng vui vẻ".
Chị Thanh Hà bây giờ đã lên chức bà nội và đặc biệt thương con dâu. "Tôi thấy phụ nữ thời nào cũng vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi. Hãy thấu hiểu để yêu thương họ. Có những chuyến công tác, đôi khi tôi quên mua quà cho con trai nhưng con dâu thì chắc chắn phải có". Cách đây 2 năm, chị cũng đã thực hiện được mong muốn lớn nhất của mình là mua một căn nhà trong khu nghỉ dưỡng cao cấp và đưa bố mẹ cùng gia đình đến đó. Kỳ nghỉ đầy niềm vui và hạnh phúc đó khiến mọi người hiểu rõ hơn giá trị của hai chữ yêu thương.
HÃY YÊU THƯƠNG NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA BẠN
CEO Trung tâm Anh ngữ Better You
Bùi Đình Huỳnh
Tạo hóa ban cho phụ nữ bản năng làm mẹ, một trái tim ân cần, bao dung và đức hy sinh. Và cũng chính tạo hóa lại ban cho đàn ông hai người phụ nữ: Mẹ và Vợ. Họ tự nguyện chăm sóc cho người đàn ông bằng cả trái tim mà không hề mong đợi sự hồi đáp. Cho nên, hãy yêu thương những người phụ nữ của bạn!
“Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ”, tôi từng nghe câu nói ấy khá nhiều nhưng mãi sau này, đi học đi làm rồi lấy vợ, tôi mới hiểu.
Tuổi thơ của tôi trôi qua êm đềm trong vòng tay yêu thương của bà, chị gái, đặc biệt là mẹ. Gia đình khó khăn, nhưng mẹ luôn tần tảo lo toan cho tôi được bằng bạn bằng bè mà chưa một lần than vãn. Cũng có lẽ vì thế mà tôi trở nên bướng bỉnh. Thay vì chú tâm học hành, tôi theo đám bạn tụ tập chơi game. Mẹ biết và luôn kiên trì khuyên bảo tôi. Nhưng tuổi trẻ bồng bột, tôi chẳng thể chống lại được sức cám dỗ từ trò chơi hot nhất thời đó.
Có lần, tôi cả gan nói dối mẹ rằng phải nộp tiền học thêm rồi đem tiền đi chơi game. Mẹ không biết đi xe đạp nên đã lặn lội đi bộ 5km để tận mắt nhìn thấy đứa con trai của mình đang làm gì. Có lẽ, trước đó mẹ vẫn tin tưởng tôi. Vậy nên, khi nhìn thấy tôi cắm cúi vào màn hình, mẹ chẳng đánh mắng mà chỉ lặng lẽ khóc rồi lủi thủi quay về. Tôi chết sững và thấy mình sao quá nhẫn tâm. Hình ảnh mẹ những trưa hè đổ lửa liêu xiêu gánh lúa, lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn cố dồn bước thật nhanh để về lo cơm nước cho con như hiển hiện trước mắt tôi. Bấy lâu nay, tôi vô tư đốt tiền cho thú vui của bản thân mà chẳng bao giờ nghĩ đến đó là mồ hôi, nước mắt của mẹ.
Cũng từ lần đó, tôi quyết tâm bỏ game, tập trung học hành với mục tiêu thi đỗ và Đại học Bách khoa để mẹ được tự hào. Đến bây giờ, tôi đã ra trường và tự gây dựng cho mình một trung tâm Tiếng Anh được nhiều người biết đến, đủ tài chính để lo cho bố mẹ một cuộc sống tốt hơn. Nghĩ lại, nếu ngày ấy mẹ đánh mắng tôi, có lẽ tôi càng lún sâu hơn vào con đường sai ấy. Mẹ đã dắt tôi ra khỏi vũng lầy bằng tất cả tình yêu và sự bao dung. Và tôi biết, dù cuộc đời tôi có như thế nào, mẹ cũng luôn bên cạnh, che chở và yêu thương như suốt mấy chục năm qua mẹ vẫn làm.
Rồi tôi lấy vợ. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi người phụ nữ thứ hai của cuộc đời mình có nhiều nét giống mẹ, đặc biệt là sự chân thành và đức hy sinh. Em luôn nhẹ nhàng bên tôi, chuẩn bị cho tôi từng bữa ăn ngon miệng, đủ chất. Em vui vẻ nhận về mình tất cả mọi việc để tôi được yên tâm lo cho sự nghiệp và chưa bao giờ tạo bất cứ áp lực nào với tôi. Thậm chí, lúc chuẩn bị sinh, em đau vật vã nhưng còn động viên ngược lại tôi rằng em không sao. Lúc ấy, tôi chỉ ước gì có thể chịu đau thay cho vợ. Tôi có một thiên thần đáng yêu, khỏe mạnh; nhưng vợ đã phải đánh đổi bằng những ngày mệt mỏi, những vết rạn da và vết sẹo còn mãi.
Quả thực, nếu không có vợ chăm sóc và luôn tin tưởng tôi sẽ không thể làm được công việc của mình một cách tốt nhất. Gần đây, tôi mở thêm các lớp học tiếng Anh mất gốc miễn phí cho sinh viên nghèo đồng nghĩa với việc thời gian dành cho gia đình cũng ít đi. Em không trách móc, giận hờn mà còn động viên tôi hãy đem cơ hội được học ngoại ngữ đến với nhiều người hơn nữa.
Tôi thương mẹ, yêu vợ nhưng ít khi thể hiện ra bên ngoài. Tôi thường tập trung làm tốt công việc của mình để làm chỗ dựa vững chắc cho mẹ và vợ. Mọi thời gian rảnh rỗi trong ngày tôi dành ở bên vợ, chơi với con hoặc phụ vợ làm việc nhà. Có những lúc, em đùa: “Mình như hai vợ chồng già ấy anh nhỉ!”. Tôi lại nghĩ rằng đó là một tình yêu chín chắn, không ồn ào mà dịu êm và bền vững như lời hát “yêu nhau cho nhau nụ cười. Thương nhau cho nhau cuộc đời”.
Mẹ tôi, vợ tôi hay bất cứ người phụ nữ nào khác rồi cũng sẽ già đi. Nhưng yêu thương mà họ đã giành cho chúng ta luôn ghi dấu mãi trên từng bước đường ta đi. Chuyện xưa kể rằng, người đàn bà được tạo ra từ xương sườn của người đàn ông. Họ luôn ở bên cạnh và sẵn sàng chịu tổn thương để bảo vệ chúng ta. Vậy, lý do gì để ta không mạnh mẽ bảo vệ, yêu thương người phụ nữ của đời mình?
Bởi, phụ nữ vốn dĩ đã chịu quá nhiều thiệt thòi.
TRỞ THÀNH NGƯỜI PHỤ NỮ XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC YÊU THƯƠNG
Phó Tổng Giám đốc Danko Group
Nguyễn Thị Dung
Cô bé Lọ Lem sẽ chẳng tìm được hạnh phúc của mình nếu chỉ ngồi mãi một chỗ hay khóc lóc chờ bà tiên xuất hiện. Cuộc sống càng không phải là truyện cổ tích khi mỗi người đều xoay trong guồng quay của công việc và những nỗi lo cơm, áo, gạo tiền. Và mỗi người phụ nữ, nếu không tự yêu mình – yêu người, tự khẳng định bản thân, cháy hết mình cho đam mê thì không thể mong mỏi một ai khác “xuất hiện” để yêu thương mình.
Tôi hẹn gặp chị Dung tại văn phòng khi chị vừa trở về Hà Nội sau chuyến công tác đột xuất. Tranh thủ check lại công việc trên chiếc điện thoại, chị tâm sự với chúng tôi về chuyện nghề, chuyện gia đình và những nỗ lực không ngừng nghỉ của chị để mang lại một cuộc sống tốt hơn cho gia đình. Chẳng phải cô bé Lọ Lem trong chuyện cổ tích, chị Dung đại diện cho tuýp người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ khẳng định bản thân mình. Những gì chị đang làm, không mưu cầu cho hạnh phúc cá nhân, mà hướng tới tương lai của cả gia đình. Với những người phụ nữ như vậy, họ xứng đáng được trân trọng và yêu thương.
Hiện tại, chị Dung đang giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc của một tập đoàn bất động sản có tiếng tại Hà Nội. Do tính chất công việc nên ngoài thời gian ở công ty, đôi khi chị cũng phải mang việc về nhà làm. Những chuyến đi công tác xa, gặp gỡ đối tác, những chuỗi sự kiện vào cuối tuần kéo dài liên tục đã không còn xa lạ trong cuộc sống của chị Dung cũng như gia đình. Công việc của một người lãnh đạo gần như đã chiếm hết toàn bộ thời gian của chị Dung. Khẽ đặt tách trà xuống bàn, chị trải lòng: “Có thời điểm, tôi khó có thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Lúc đó, tôi chấp nhận lo lắng cho công việc bởi nó ảnh hưởng đến nhiều người. Khi đi công tác hay gặp đối tác tôi thường nói rõ ràng với chồng để anh hiểu và yên tâm”.
Sự chân thành, thẳng thắn của chị khiến chồng hoàn toàn tin tưởng và cảm thông. Anh hiểu rằng, những gì chị đang cố gắng đều là vì gia đình nhỏ. Và trên hết, công việc là đam mê bất tận của chị nên anh luôn tạo điều kiện để chị được cống hiến và phát triển sự nghiệp. Không nói những lời yêu thương mùi mẫn với vợ, anh thầm lặng giúp chị lo toan công việc gia đình, chăm sóc con, chu toàn hai bên nội ngoại. Những yêu thương gửi trao không bằng lời nói, mà bằng chính hành động của anh là động lực giúp chị Dung an tâm hoàn thành công việc. Ngược lại, chị Dung luôn tôn trọng và chẳng bao giờ quên nói lời cảm ơn với chồng.
Tuy bận rộn với hoài bão và đam mê của mình nhưng chị Dung vẫn luôn trân trọng giá trị của sự gắn kết gia đình. Chị tranh thủ mọi thời gian rảnh để “xây tổ ấm” bên chồng con. Chị kể: “Vào ngày nghỉ, tôi ở nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, mời bạn bè đến nhà chơi hoặc cùng chồng con đi chơi, mua sắm”. Dù những khoảng thời gian như vậy không nhiều nhưng dường như nó lại giúp tình cảm gia đình thêm bền chặt hơn.
Với con gái, dù bận đến mấy chị Dung cũng dành thời gian để trò chuyện cùng con. Mỗi ngày, khi trở về nhà, chị tạm cất điện thoại sang một bên để hỏi thăm chuyện học hành ở trường và cảm xúc của con. Chị chọn cách gần gũi với con để tâm sự như hai người bạn thân, hiểu được nhu cầu và mong muốn của con. Chính vì thế, chị không cảm thấy con gái bị thiếu thốn tình cảm so với các bạn đồng trang lứa. Cô con gái của chị mới lớp 2 nhưng cũng tỏ ra rất hiểu chuyện và đã biết chia sẻ với mẹ.
Khoảng thời gian hạnh phúc của chị Dung cũng như bao người phụ nữ khác là được tạm gác những bận rộn của công việc, những áp lực của cuộc sống phía ngoài cánh cửa. Bên trong chỉ còn tiếng cười nói vui vẻ, hạnh phúc giữa vợ với chồng, bố mẹ với con cái cạnh mâm cơm nóng hổi.
Tự nhận rằng mình không phải là người quá yêu chiều bản thân nhưng chị Dung cũng không bao giờ “ngược đãi” chính mình. Những khi mệt mỏi, chị chọn cách ngồi yên tĩnh một mình, thưởng thức ly cà phê hoặc xem một bộ phim yêu thích… Bởi chỉ khi nào bản thân thấy thoải mái nhất thì mới có tinh thần để làm việc và chăm sóc cho những người thân yêu.
Có đam mê, lý tưởng; chủ động trước cuộc đời mình; thành đạt trong công việc nhưng vẫn khéo léo trong chuyện gia đình và cách ứng xử với mọi người – vì lẽ đó mà ở đâu, chị Dung cũng được tôn trọng, yêu quý.
Người phụ nữ, sinh ra vốn để được yêu thương. Nhưng làm thế nào để được yêu thương lại nằm ở chính thái độ của chúng ta. Trước khi nhận yêu thương, hãy trở thành người xứng đáng được yêu thương.
Thực hiện chuyên đề: Bình Nguyên – Nguyễn Hiển – Quế Liên