Phụ huynh hiện đại quan tâm đến chiều cao của con nhiều hơn là cân nặng. Đó là lý do các bậc cha mẹ rất chịu khó “đầu tư” sữa, canxi, các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng chiều cao. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ. Muốn con đạt chiều cao tối đa, mẹ cần chú ý những điều này:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một đứa trẻ có 3 giai đoạn quyết định đến chiều cao: giai đoạn bào thai, 5 năm đầu tiên của cuộc đời và giai đoạn dậy thì.
Giai đoạn trong bụng mẹ: Thai nhi phụ thuộc vào nguồn dưỡng chất mẹ hấp thụ hàng ngày. Do đó, bà bầu cần ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm. Một số thực phẩm giúp thai nhi có chiều dài tốt như: trứng, thịt nạc, cá hồi, rau xanh, khoai lang, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Giai đoạn 5 năm đầu đời: Theo chuyên gia – bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang làm việc tại Bệnh viện Hoàng gia Worcester, Anh Quốc, các mẹ cần chú ý những điều sau:
+ Bé nên duy trì bú mẹ hoàn toàn ít nhất là 6 tháng từ lúc mới sinh và kéo dài lâu nhất nếu có thể.
+ Nên bổ sung đủ vitamin D từ 1 tháng sau sinh.
+ Bắt đầu ăn dặm, bé nên được giới thiệu đa dạng và bổ sung 2 ngày/ tuần thực phẩm giàu kẽm, canxi và vitamin A,B,C. Cha mẹ nên bổ sung canxi từ thực phẩm, không nên tự ý bổ sung thuốc canxi cho bé vì thường không mang kết quả tăng chiều cao so với canxi từ thực phẩm, mà còn có nguy cơ cao gây ra các vấn đề về sức khỏe. Dư canxi có thể ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng và có tác dụng ngược lại là làm các bé "lùn" hơn.
+ Bé được khuyên ăn đủ 2 ngày cá (hồi/thu/lươn/chép)/ tuần để duy trì chất béo omega-3 tốt cho bé.
+ Tốt nhất là không giới thiệu chất ngọt từ đường/kẹo/bánh/socola cho bé. Nếu cho bé ăn, giới hạn 2 thanh kẹo/ngày và tuần quy định chỉ cho bé ăn 3 ngày. Một số nghiên cứu cho thấy việc ăn quá nhiều đường thì liên quan đến sự "lùn" ở các bé.
Giai đoạn dậy thì nên duy trì cân nặng phù hợp, hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn nhanh và đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ và đường. Phân bổ thời gian học và nghỉ ngơi cho trẻ hợp lý, tránh để trẻ bị stress, ăn vô thức, dễ làm trẻ dư cân và tích trữ mỡ.
Trong bất cứ giai đoạn nào, dinh dưỡng cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất: protein (chất đạm), lysin, canxi, vitamin A, vitamin D, sắt, kẽm, i-ốt.
Luyện tập thể thao
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao cũng quan trọng không kém. Các hoạt động này giúp tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, tăng trọng khối xương, giúp máu lưu thông tốt hơn, các hormone tăng trưởng cũng tiết ra nhiều hơn.
Mẹ có thể giúp con cảm thấy yêu thích thể thao ngay từ khi còn nhỏ bằng cách dẫn con đi chơi công viên, chơi một số trò chơi ngoài trời. Bé từ 4 – 5 tuổi nên học bơi 2 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 45 phút. Khi bé 8 tuổi có thể tăng lên 3 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 60 phút. Bơi được xem là môn thể thao giúp phát triển hệ xương rất tốt, lại giúp vóc dáng đẹp hơn.
Sinh hoạt hàng ngày
Nếp sinh hoạt hàng ngày cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Việc ngồi máy tính, xem tivi, chơi game hơn 4 tiếng/ngày là thói quen của nhiều trẻ em trong cuộc sống hiện đại. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ thấp lùn.
Giấc ngủ cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao của trẻ. Các hormone tăng trưởng chiều cao chỉ tiết ra vào ban đêm, trong khi trẻ đang ngủ say, đặc biệt vào khoảng thời gian 10 – 12h đêm. Vì vậy, trẻ nên đi ngủ trước 9h tối và tùy theo độ tuổi mà ngủ đủ từ 8 – 18 tiếng mỗi ngày. Trẻ ngủ ít, ngủ muộn sẽ không thể cao được.
Mặc dù gen di truyền cũng có phần quyết định chiều cao của trẻ khi trưởng thành. Tuy nhiên, các yếu tố như dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động chiếm đến 70%. Vì vậy, nếu bố mẹ không có chiều cao tốt, hãy quan tâm nhiều hơn đến 3 yếu tố này để con cái có chiều cao lý tưởng.