Thói quen xi tè cho trẻ đã có từ rất lâu. Nhưng không ai biết thói quen này có thực sự tốt? Hay nó có mang hiểm họa nào đến với trẻ nhỏ hay không?
Thói quen xi tè
Tập xi tè cho trẻ nhỏ là chủ đề đang gây nhiều tranh cãi trên các diễn đàn mẹ và bé. Thực tế, việc xi tè cho trẻ em nhỏ (từ 2 – 3 tháng tuổi) không phải chỉ có ở Việt Nam. Phương pháp này cũng xuất hiện ở nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, Canada, vùng Nam Mỹ, Trung Mỹ, Châu Phi và một số quốc gia ở châu Âu như Hà Lan. Phương pháp đi tiểu ứng dụng sự liên kết âm thanh và việc đi tè được gọi với tên tiếng Anh là Elimination communication, hoặc thuật ngữ khác hay dùng trong khoa học chỉ chung cho phương pháp hỗ trợ "đi tiểu từ người chăm sóc" là "Assisted infant toilet training". Nhiều mẹ cho rằng tập xi tè cho con sớm rất tốt, sẽ tạo thói quen cho con đi vệ sinh đúng giờ. Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến phản đối, bởi họ cho rằng xi tè có thể ảnh hưởng tới bàng quang, thận của trẻ.
Tập xi tè lợi hay bất lợi cho sự phát triển của trẻ?
Nhận định từ các chuyên gia nhi khoa. Việc hình thành thói quen đi tiểu từ việc xì tè là không có cơ sở. Bởi để tập được phản xạ có điều kiện trên thì trẻ phải trên 1 tuổi. Trẻ sơ sinh có thể tiểu tiện cả ngày lẫn đêm là do bàng quang rất nhỏ khiến bé tiểu tiện một cách không kiểm soát, não bé chưa phát triển đầy đủ và sự phản xạ kém dù chỉ tích một lượng nhỏ nước tiểu. Nhưng khi bé lớn dần (1 – 2 tuổi), hệ thần kinh phát triển, não bắt đầu hiểu được tín hiệu nhu cầu cần tiểu tiện. Bé có thể trữ nhiều nước tiểu hơn do khả năng lưu trữ của bàng quang tăng lên. Bàng quang có thể gửi tín hiệu đã “đầy” đến não, não sẽ dẫn truyền tín hiệu “đã đến lúc tiểu tiện” và ngược lại.
Ngoài ra, về tác hại của phương pháp này chưa có nghiên cứu nào chứng minh. TS. Gwen Dewar, ĐH Michigan, Mỹ giải thích: Việc phối hợp co giãn bàng quang của trẻ nhẹ nhàng, không như người lớn, không đủ áp lực ảnh hưởng lên chức năng của bàng quang. Hơn nữa, cấu trúc vách bàng quang ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là ổn định, không dễ bị rò. Do đó, việc xi tè không có ảnh hưởng đến bàng quang.
Phương pháp xi tè đúng cách cho trẻ
Trong báo cáo “Huấn luyện xi tè cho trẻ sơ sinh ở các gia đình phương Tây của TS.Sun (ĐH Verona, Ý)” cho biết: xi tè dưới 18 tháng chỉ giúp bé học sự liên kết giữa âm thanh và việc đi tè, trẻ chưa hiểu việc đi tè đúng nghĩa, cha mẹ vẫn cần phải tập và dạy trẻ cách đi tè đúng nghĩa sau 18 tháng tuổi.
Khi trẻ từ 18 tháng tuổi, cha mẹ có thể dạy trẻ hiểu về việc đi tè cần phải đúng chỗ. Không nên dạy trẻ đi tè ngoài đường nữa, mà bắt đầu dạy bé đi tè trong nhà vệ sinh. Trước khi đi, bạn nên chỉ bé đây là nhà vệ sinh, khi con mắc tè thì nên đi vào đây.
Đôi lúc nhiều bé chưa quen, khóc và không chịu tè, đừng la mắng bé, cứ xi tè bé bình thường. Đợi 1 dịp bé thoải mái hơn dạy lại cho bé.
Để tiến hành việc luyện tập xi tè cho bé một cách hiệu quả. Các mẹ cần để ý các dấu hiệu khi con mắc tiểu:
- Đối với bé trai: dấu hiệu đi tè, ị ở bé trai thường dễ nhận biết hơn bé gái. Nếu bé muốn tè, chim sẽ cong lên, nếu bé muốn "ị", hai bên tinh hoàn săn lại. Ngoài ra, một số bé có dấu hiệu như ngừng bú, khóc, đạp chân cũng cho thấy bé muốn đi vệ sinh và khi mẹ xi bé dễ dàng “xả tự do”.
- Đối với bé gái: dấu hiệu nhận biết bé gái phức tạp và khó hơn so với bé trai. Mẹ cần dành thời gian quan sát dấu hiệu quả bé để xi con đúng lúc, kịp thời. Bé có thể khóc, không bú, rùng mình… khi buồn đi vệ sinh.
Mai Hằng
Tổng hợp