Việc dạy con về giá trị đồng tiền, sức lao động, sự kiên trì là một việc rất cần thiết trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, bố mẹ cần theo sát để định hướng cho con, tránh những hậu quả ngược.
Mới đây, câu chuyện "khởi nghiệp" của cậu bé 4 tuổi đã thu hút được sự chú ý và bàn luận của mọi người trên mạng xã hội. Câu chuyện được chị Nguyễn Ngọc Hà kể lại về cậu con trai 4 tuổi, bé Măng đi bán kẹo tại hầm chung cư nơi 2 mẹ con đang sống. Với sự hướng dẫn và hỗ trợ đằng sau của mẹ, bé Măng đã thu lãi 178 nghìn đồng qua 2 buổi bán kẹo. Câu chuyện của bé Măng không chỉ đơn thuần là câu chuyện mua bán lời lãi thường ngày, mà còn là cách các bậc phụ huynh dạy con quản lý tài chính và quý trọng đồng tiền.
Quá trình chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng
Quá trình khởi nghiệp của bé Măng và mẹ được chuẩn bị trước đó 3 ngày. Hai mẹ con tự tay tìm mua kẹo, mua giấy gói và bọc lại những viên kẹo. Bé Măng được làm cùng mẹ trong những công việc này nên rất thích thú và chú tâm. Con học được cách chuẩn bị hàng hóa, tiếp xúc và mời chào những vị khách hàng tiềm năng. Công việc bán kẹo cũng đã giúp bé Măng hiểu được như thế nào là kinh doanh, thế nào là lời lãi, giá trị của đồng tiền. Cậu bé chỉ mới lên 4 đã ý thức được giá trị những món đồ mà mình mua và quan trọng nhất là chia sẻ , giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn trong những công việc vừa sức với mình.
Mục đích "kinh doanh" của bé Măng hồn nhiên nhưng cũng rất rõ ràng. Bé đã nghĩ ngay ra mình sẽ làm gì từ số tiền lãi khi bán kẹo: con mua kẹo ăn và mua đồng hồ cho em trai. Măng thấy cả nhà đeo đồng hồ mà chỉ riêng mình em Mía không có. Cậu bé 4 tuổi bí bô “Em Mía không có đồng hồ, khổ thân em Mía nhỉ?”. Cậu bé Măng rất quan tâm đến các thành viên trong gia đình và nhờ sự động viên của mẹ, Măng lấy đó làm động lực cho câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Câu chuyện khởi nghiệp của bé Măng và chị Ngọc Hà cũng là câu chuyện của nhiều bạn nhỏ khi các bé khởi nghiệp từ rất sớm.
Bảo Ngọc – bé Bống “chè bưởi”, cô bé từng gây thích thú cho người xem trong chương trình Mặt trời bé con – Little big shots Viet Nam đã khởi nghiệp từ năm lớp 2.
Câu chuyện kinh doanh của Bống xoay quanh những cốc chè bưởi. Mỗi cuối tuần, cô bé nhỏ nhắn ở Tuyên Quang nhận đặt hàng online qua facebook và điện thoại rồi tự tay nấu chè cho khách. Những ngày thấp điểm, em bán được khoảng 50 cốc chè. Trong những ngày cao điểm nắng nóng hay dịp lễ Tết, số lượng chè bưởi em bán lên đến con số 400 cốc. Với mức giá 8000 đồng/1 cốc và số lượng chè em bán ngày càng tăng, Bé Bống đã tự sắm cho mình được những vật dụng đắt tiền: tự mua laptop và tích lũy để mua Iphone, Ipad… Bống còn dùng số tiền lãi thu được để ủng hộ quỹ từ thiện giúp đỡ cộng đồng xã hội.
Khởi nghiệp sớm là không có tuổi thơ, là sinh ra tâm lý đòi tiền khi làm việc nhà?
Câu chuyện của bé Măng và Bống là câu chuyện khởi nghiệp từ bé của nhiều bạn nhỏ khác trên khắp dải đất hình chữ S tươi đẹp. Thông qua những hoạt động trải nghiệm kinh doanh, các bé sớm hiểu được giá trị và ý nghĩa của đồng tiền, tự tay mua cho mình những món đồ yêu thích và giúp đỡ những người kém may mắn hơn.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng khi các bé kinh doanh như vậy là quá sớm, các con không có tuổi thơ khi quá già dặn so với bạn bè cùng tuổi. Chị Thanh Thúy, mẹ bé Bống chia sẻ suy nghĩ của mình: “Thật sự tôi thấy hơi buồn cười vì gia đình không nghĩ như thế. Nhìn con gái vui khi làm những chuyện bé thích, đấy là niềm tự hào của cha mẹ. Bống 10 tuổi, Bống biết kinh doanh để kiếm tiền tiêu vặt và đóng góp cho các tổ chức từ thiện, điều này có gì là sai mà lại bảo con không có tuổi thơ?”
Chị Ngọc Hà, mẹ bé Măng lại chia sẻ lý do khi dạy con khởi nghiệp kiếm tiền ngay từ khi con còn bé: “Mình nghĩ việc cho con làm quen với tiền không hề xấu. Ngược lại nếu biết làm quen đúng cách sẽ rất có lợi”. Chị Hà không ngại câu chuyện khởi nghiệp hay bé Măng phụ giúp công việc gia đình được trả công sẽ khiến bé sinh ra tâm lý đòi tiền bởi “Nếu như việc vừa sức thì sẽ là việc con cần làm, việc gắng sức thì mẹ sẽ trả công con để con cố gắng”.
Câu chuyện khởi nghiệp của trẻ nhỏ, hay trả công tương xứng khi con làm những công việc nhà tưởng chừng là một câu chuyện nhỏ nhưng lại không nhỏ. Các bé hiểu được hoạt động kinh doanh, mua bán, kiếm được đồng tiền đáp ứng những mong muốn của bản thân, và quan trọng hơn hết là gắn bó tất cả các thành viên trong gia đình trong hoạt động kinh doanh của bé.